TTCT - 1. Cái ngày có Táo quân lên trời là một ngày nóng hầm hập. Tôi bảo cậu lái xe về trước đi và cho tôi mượn cái SH mà cậu ta vừa mua giấu vợ ở quê để lén lút chở bồ. Đàn ông bị lấy vợ sớm rất hiếm kẻ thật thà. Tôi thỉnh thoảng thích lang thang một mình, nhất là vào những hôm ngoài đường có đông người.
Trời cao mây trắng, áo khoác màu nhã, cặp kính Dior sẫm đen, tự nhiên có cảm giác mình được là hạt gạo trong mênh mông một thúng gạo. Dạo này tôi xuất hiện trước giới truyền thông thế cũng là nhiều. Anh trai của tôi và những người đang mon men cầu hôn đều trách tôi là đứa tham công tiếc việc. Tôi yêu công việc không hẳn vì tiền, nhưng bất cứ việc gì tôi đã động tay là tràn trề sinh lợi. Tôi lượn một vòng hồ Tây, vẩn vơ cố đừng nhớ về hồi sinh viên. Hoa đào bị nắng sớm nở đỏ rực và mặt những người bán đào mệt mỏi nhợt nhạt.
Đã không còn “tương ánh hồng” nữa thì biết kiếm đâu ra cái anh chàng lãng mạn như Thôi Hộ. Có tiếng môbai reo, tôi thò tay vào túi áo tắt máy. Dọc đường Phan Đình Phùng, xuôi theo Lương Văn Can là ra đến bờ hồ. Nụ hôn đầu đời của tôi dưới hàng hiên cuối dốc Bảo Khánh kia kìa.
Minh họa: Lê Thiết Cương |
- Phía trước là một quái vật áo xanh màu cướp biển, xin phép chỉ huy cho được tiêu diệt.
Tiếp theo là tiếng “pằng, pằng” non nớt - giọng của một đứa bé trai. Tôi đi chậm lại, tà tà sát vào vỉa hè. Ngang ngang bên tôi là một chiếc xe tay ga Tàu, kiểu dáng của lô hàng năm ngoái tổng công ty tôi nửa chính nửa tà nhập lậu về. Một thằng bé tóc cắt cua chừng năm tuổi ngồi trong lòng chắc chắn là bố nó. Anh ta không đội mũ bảo hiểm, khoảng gần bốn mươi, trạc vào tuổi của không biết bao nhiêu người cầu hôn đang lê la ở bậc thềm biệt thự nhà tôi. Anh ta quay sang tôi, một cái nhìn lướt trầm trầm rồi khẽ tăng ga. Cọ sát cằm vào đỉnh đầu con trai, viên chỉ huy lạnh lùng xác nhận: “Quái vật loại nguy hiểm, tiêu diệt bằng súng đại liên”.
Một giọng baritone trầm ấm, kiểu giọng đàn ông tôi có cảm tình ngay từ khi bắt đầu thiếu nữ. Thằng bé con quay hẳn lại, chìa hai ngón tay hồng hồng vào tôi, bắn bồi thêm một loạt đạn mồm. Bỗng sâu xa phía ngực trái cái áo Gucci màu xanh nước biển tôi mua ở London dường như lỗ chỗ vết đạn. Tôi khẽ cười với nó, tự dưng thấy nao nao rất khó tả. Ở cái đường đôi Lê Thái Tổ đặc biệt bờ hồ này, trong buổi chiều hoang mang gió và mây có linh tinh những người vội vã đi lại sắm tết, hai bố con thằng bé thong thả chợt làm tôi như lâu lắm mới được thấy Hà Nội. Anh ta có một vẻ ổn định ấm áp nhưng ánh nhìn lại buồn bã kiêu bạc đến lạ kỳ.
- Phía trước có phục binh.
Sát thủ mang khuôn mặt trẻ thơ giọng lanh lảnh thông báo. Cái xe tay ga Tàu ép sát lề phải đỗ hẳn lại. Tôi làm như không để ý, vượt lên. Vỉa hè phố Bà Triệu có hai viên cảnh sát trẻ măng mắt long lanh đang núp sau đuôi chiếc xe Land Cruiser bảy chỗ. Mắt thằng bé tinh thật. Và cũng có thể là nhờ cái thói quen của trò chơi mà hai bố con nó thường chơi với nhau.
Tôi lưỡng lự đỗ xe, rón rén quay lại nhìn. Anh ta lấy trong cốp ra một chiếc mũ bảo hiểm trông bẩn thỉu kinh khủng, khẽ khom người, thằng bé con thành thạo cài dây mũ cho bố. Động tác của nó vừa ngộ nghĩnh vừa già dặn. Chợt anh ta ngẩng lên nhìn, tôi hốt hoảng rồ ga vượt ngã tư. Qua gương chiếu hậu thấy hai bố con nhà đấy rẽ vào đường Tràng Thi. Thằng bé giơ súng tay, tiếp tục cái trò chơi tiêu diệt quái vật.
2. Suốt ba ngày tết tôi không đi đâu, loay hoay vừa nghe nhạc vừa nấu bếp. Tôi hợp ăn đồ Tây, hai năm rưỡi làm thạc sĩ ở Mỹ chưa bao giờ tôi thấy nhớ bánh chưng. Và tôi thấy nhớ hai bố con thằng bé ấy quá chừng. Chiều mồng một, vài tay cầu hôn hoặc bỏ vợ, hoặc bị vợ bỏ nồng nhiệt đến thăm tôi. Chiều tối mồng hai, anh trai tôi đưa cô vợ béo và hai đứa con gái sinh đôi cũng béo tới nhà tôi làm nem.
Bà chị dâu ngoại tỉnh pha nước chấm, một kiểu nước chấm sẽ làm tan vỡ hạnh phúc gia đình. Tôi ngấm ngầm hàn gắn, cho thêm ít giấm ít đường. Tại sao người ta không yêu nhau mà vẫn lấy nhau. Tôi từng hỏi anh trai tôi. Đệ tử của Cổ Long ham đọc kiếm hiệp trả lời rằng hôn nhân giống như việc nghĩa, biết là không phải làm nhưng không thể không làm. Anh trai tôi bàn năm tới sẽ đưa tổng công ty lên thành tập đoàn, chức phó tổng sẽ là tôi và Tùng.
“Tao thấy thằng đó được đấy. Vợ chết thật nhé, và quan trọng là nó cực kỳ yêu mày”. Tôi cười buồn, phải chăng những đàn ông tử tế là những đàn ông đã có vợ chết thật. Đến bây giờ vẫn chẳng thấy ai giới thiệu cho tôi một giai tân. Họ lo lắng hộ tôi. Vâng, tôi chưa bao giờ lên xe hoa nhưng tôi đã ba nhăm tuổi và lại có quá nhiều tiền. Tôi bảo anh trai tôi đừng lẫn công vào tư, Tùng “bê” quả đẫm đầy ưu điểm nhưng em không muốn lộn cổ. Cái nickname “Tùng bê” không phải chơi chữ bằng tiếng Pháp, đơn giản, cái tay có hai bằng tiến sĩ hoàn toàn không dỏm này còn ngố hơn cả bò. Đêm xuống, những người thân về hết, tôi nức nở thắp hương trên ban thờ bố mẹ tôi. Vào phòng ngủ, ngẫu nhiên thấy cái áo khoác màu xanh “cướp biển” vứt giữa giường, tôi mủm mỉm tự cười nhớ mấy ngón tay hồng hồng của thằng bé.
Sát rằm, anh trai tôi ở Berlin gọi điện nói sẽ về trễ vài ngày. Bọn Đức kiểm hàng rắn hơn hẳn bọn Hàn, và không hiểu sao cả mười bốn công hàng đợt này lỗi nhiều vô kể.
- Cô phải ra sân hộ anh, vì trên chính danh cô đương là người to nhất.
Tôi giập phôn cáu kỉnh nhìn Tùng “bê”, chính anh ta đã quyết liệt nịnh nọt ủng hộ cái ý tưởng điên rồ của tổng giám đốc là phải nuôi một đội bóng đá chuyên nghiệp. Ngoài chuyện yêu bóng đá cuồng nhiệt, anh còn tính rất kỹ một chiến lược PR đường dài. Thế nhưng nuôi một đội bóng cho ra hồn lại là chuyện không hề rẻ. Tùng “bê” trình bày đúng ngày mười sáu âm, đội bóng công ty sẽ khai xuân mở đầu việc tham gia vòng loại hạng ba bằng trận giao hữu với một đội bóng lẫy lừng hạng nhất. Tay sếp của đội bóng đó đang gạ gẫm mua lại cái Rolls-Royce của anh trai tôi.
Sân Hàng Đẫy, lần đầu tiên tôi vào, toàn bộ khán đài B vắng hoe. Nhưng cửa 5 cạnh khán đài A thì tràn ngập màu xanh lơ, màu cờ và quần áo của nhân viên công ty tôi. Tùng “bê” cho cả hai nhà máy dưới Hải Dương được nghỉ. Một đoàn xe 45 chỗ, mỗi xe lèn chặt 90 công nhân trống dong cờ mở hồ hởi một tinh thần thể thao. Loa phóng thanh oang oang phát đi phát lại bài “công ty ca” được viết riêng từ một tay nhạc sĩ già rụng răng hai lần đoạt giải “Bài hát Việt trẻ”. Tôi đi vắng và Tùng “bê” thuyết phục anh trai tôi OK. Hôm tổng duyệt bài hát, quá nửa dàn hợp xướng nghiệp dư của công ty bị méo mồm do cố ngân nga những ca từ hoành tráng. Tôi bỏ kính râm, sân cỏ mướt mát xanh rét ngọt.
Tôi cấm Tùng “bê” không được đọc tên tôi và chính anh ta sẽ là đại diện đi trao hoa cho hai đội. Tôi không muốn ngồi cạnh cái tay chủ đội bóng kia mà chỉ cần nhìn mặt là đã biết vừa láu cá vừa vô học. Tôi vẫy cậu lái xe dẫn tôi lên tầng trên cửa 2, xa xa ở đấy chỉ lác đác khoảng chục người ngồi. Cậu lái xe trải báo lên bậc ghế ximăng. Tôi ngả người châm điếu Dunhill. Tít tắp trời cao mây trắng nhởn nhơ bay. Lâu lắm rồi tôi mới thấy mình thoải mái như vậy. Có lẽ những đàn ông yêu bóng đá phần lớn đều tử tế. Còn trên sân chưa đầy mười lăm phút, đội công ty tôi đã thua hai quả.
- Hà Nội cố lên. Đá bỏ mẹ bọn lâm tặc.
Tôi sững sờ, suýt nữa nhổm hẳn dậy, giọng của thằng bé cắt đầu cua. Vẫn là hai bố con, ngồi dưới tôi chừng ba bậc. Thằng bé đội mũ hip hop, áo da quần bò hàng hiệu và khá bẩn. Cả hai bố con ăn mặc sành điệu nhưng trông nhếch nhác giống nhau. Và cho dù dùng đồ xịn thì vẫn thấy ngay thiếu một bàn tay phụ nữ. Tim tôi đập thình thình, chỉ hơi dịu đi khi nhớ là mình đang đeo một cặp kính râm to đùng.
Hơn nữa chẳng có lý gì bọn họ lại nhận ra tôi. Thằng bé con vừa xem vừa phấn khích, liên tục hò hét, đôi lúc kèm thêm nhiều câu chửi bậy. Chắc xuất phát từ sự hào hiệp lòng thương kẻ yếu nên đội nó ủng hộ là đội công ty tôi. Bố nó vẫn vẻ uể oải, vừa xem trận bóng vừa đọc sách. Thỉnh thoảng chỉ ngẩng lên nhíu mày khi tiếng cổ vũ của đám hâm mộ màu xanh lơ từ cửa 5 vọng sang. “Hà lội cố nên”.
Anh ta hơi nghiêng người, biết là an toàn, tôi bình tĩnh ngắm. Một mái tóc dài trên vầng trán trầm buồn mang vẻ cô đơn. Anh ta để ria làm khuôn mặt thanh tú phảng phất từng trải. Hết hiệp một, anh ta gập sách quay sang đưa thằng con chai nước suối, cẩn thận giữ chai cho thằng bé tu khỏi sặc. Cuốn sách anh ta đọc là cuốn The great Gatsby bằng nguyên ngữ. Tôi là người hâm mộ cuồng nhiệt Scott Fitzgerald. Tôi vừa mới mua thêm bản Việt ngữ Đại gia Gatsby cho dù không thích dịch giả.
Chợt tiếng chuông điện thoại di động reo, thằng bé rút môbai từ túi quần bò, liếc mắt nhìn màn hình rồi đưa bố nó. Bố nó nghe nhưng không trả lời, tắt máy, dịu giọng bảo thằng bé: “Game over”. Thằng bé con nuối tiếc đứng dậy nhưng vì chắc chiều bố nên không thấy kêu ca gì. Ông bố đứng lên, anh ta vững chãi, cao hơn mét bảy, nhấc bổng thằng con cùng kiệu lên vai. Thằng bé bỗng chăm chú nhìn tôi, có lẽ tất cả những người đang xem quanh nó có mình tôi là phụ nữ. Tôi luống cuống mặt đỏ bừng, đành giả vờ ngó sang phía hàng ghế VIP. Tùng “bê” phong độ nô tài đang nói với tay chủ đội bóng đối tác. Tôi quay lại, hai bố con đã gần khuất chỗ bậc xuống cửa ra vào. Đáng lẽ tôi phải phản ứng thật nhanh là đứng lên đi theo.
Đáng lẽ tôi phải bảo cậu lái xe là bám sát rồi tôi sẽ bịa cớ giải thích sau. Đáng lẽ... Hơn mười năm trước, mối tình đầu của tôi tan vỡ cũng bởi một nguyên nhân ngớ ngẩn. Những phút còn lại của trận đấu, tôi rồ dại chẳng nhìn thấy gì nhưng hóa đá ngồi xem đến gần hết hiệp hai. Cậu lái xe rụt rè nhắc tôi là anh Tùng đang cuống quýt tìm chị. Đội công ty tôi đã lội ngược dòng thắng 5-3. Bữa tiệc mời đối tác ở khách sạn Niko là 18 giờ 30. Đến lúc ấy tôi mới hiểu ra được một điều rất đơn giản: tôi không lấy được chồng là ở tận cùng tôi không thể chịu nổi những tay đàn ông sành sỏi buôn bán.
3. Tôi lửng lơ ốm cho đến giữa mùa hè. Mọi người nhớn nhác vô cảm nịnh nọt tôi, chỉ anh trai tôi mang máng biết tôi đang tương tư. Tùng “bê” vẫn đều đặn tới thăm tôi vào ngày nghỉ cuối tuần. Tôi cũng chẳng muốn chia sẻ với bất kỳ ai. Mỵ Nương nghe tiếng hát chàng Trương rồi bàng hoàng sầu não thì cô ta đâu có cần tìm ai để kể lể. Hai bố con thằng bé tuyệt vô tăm tích. Kha khá nhiều buổi chiều tôi xách laptop ra ngồi ở quán cà phê Bốn Mùa vừa làm việc vừa tuyệt vọng xuôi ngược nhìn cái đường đôi đặc biệt bờ hồ. Nó chỉ có một chiều và tôi vĩnh viễn không thể đi ngược chiều. Tôi hay gặp bố con anh ấy trong mơ.
Một đám mây trắng bồng bềnh bao quanh họ. Mặt thằng bé sốt xanh tái và người bố vụng về cho nó uống thuốc, nước tràn lênh láng xuống cổ thằng bé. Có những chủ nhật đầy ắp hoang mang, tôi rủ cậu lái xe đi xem đá bóng ở giải chuyên nghiệp. Cậu ta phải mua vé đúng cửa 2 và phải đi sớm trước ba tiếng để giữ đúng cái chỗ lần đầu tiên tôi đã ngồi. Thường là giữa hiệp một tôi đi về, bóng đá Việt Nam cho đến bao giờ mới thôi hết đá bằng chân.
Đầu tháng bảy thì lớp đại học tôi họp lớp cũ. Bọn tôi giữ cái thói quen này chừng đã hơn chục năm và tôi vì nhiều lý do mới đến dự được hơn ba lần. Lớp tôi phần lớn đều là nữ và hầu hết đều thành đạt. Tất nhiên theo cái nghĩa của khát khao xã hội bây giờ, giàu và thèm muốn sang. Thường thì vài đứa đứng ra chủ xị, cách đây bốn năm tôi mời cả lớp đi Phú Quốc. Lần này cái Hằng “tròn” làm phiên dịch cho bọn Nhật trúng sàn vàng, bao cả bọn ăn trưa, ăn chiều rồi tối hát karaoke ở khách sạn Sofitel Metropole đầu dốc hồ Tây. Tôi đến sớm, nửa lớp ồ ngạc nhiên, thằng Hồng Kiên “ái” chân thành khen tôi xinh y xì như xưa.
Trên danh nghĩa, tôi là gái tân cuối cùng, là quả “miss” cuối cùng của cả lớp. Trừ mấy thằng hâm hâm con giai kia, đám bạn nữ của tôi đều đã có con và không hiểu sao phần lớn hoặc đang ly thân hoặc đã bỏ chồng. Bữa tiệc cố vui, cố vớt vát những gì sinh viên. Uống hết một tuần vang Sauvignon Blanc thì đám đàn bà nhạt mồm quây quần buôn chuyện. Tôi ngồi chầu rìa, nửa háo hức vui nửa ngơ ngác buồn. Lại loanh quanh chuyện chứng khoán, chuyện vàng lên, rồi nửa khoe nửa than thở bệnh thằng con và tất nhiên nửa đùa nửa thật tố cáo bệnh thằng bố. Tôi nhìn xa xa hồ Tây, mây trắng kỳ vĩ hắt vài vệt hoàng hôn xuống mặt nước xanh.
Cái môbai trước mặt Hằng “tròn” rền rĩ reo, nó cài nhạc chờ “sến” không thể tả. Hằng “tròn” vừa nghe vừa gắt rồi cáu kỉnh cúp máy. Lúc nãy, cứ như theo lời nó thì nó là đứa bất hạnh nhất. Một gã chồng cực kỳ vô tích sự, chỉ biết ăn bám, không làm được bất cứ việc gì. Nếu không thương con, nếu không tiếc rẻ vẻ đẹp giai thì nó đã bỏ từ lâu. Tôi chưa gặp đám rể lớp tôi, nhưng qua lời đám bạn thì thấy toàn những gã tầm thường. Nếu là quan lớn thì đạo đức giả, trụy lạc, bồ nhí. Nếu là văn nghệ sĩ thì hoang tưởng bần hàn. Hiếm hoi có vài gã chu đáo lành lành thì trịch thượng gia trưởng.
Hằng “tròn” phục phịch nhấc mông chạy xuống tiền sảnh, nó thanh minh là hôm nay vội quá, quên đưa chìa khóa nhà nên chồng con nó bị nhốt ngoài đường. Bây giờ anh ta phải đến tận đây lấy chìa. Đám đàn bà tò mò nhìn qua cửa kính xem mặt kẻ vô tích sự. Tôi ngồi sát cửa sổ nên cũng lơ đãng nhìn theo. Chợt nhiên tim tôi thắt ngược, đấy là hai bố con thằng bé cắt đầu cua. Thằng bé ngủ gật nép sâu vào lòng bố nó. Hằng “tròn” xuống tới nơi sa sả hoa chân múa tay phong độ dạy dỗ.
Anh ta cúi mặt nghe, chẳng biết đó là cao đạo nhẫn nhịn hay phàm tục chịu đựng. Tôi chìm sâu xuống ghế, trống rỗng, cố không nghĩ tới điều gì. Luẩn quẩn phía hồ chiều muộn, mây đã bớt trắng, hình thù nham nhở đứng im. Nếu cứ ngồi ở tư thế này thì tôi không thể thấy được mặt nước in màu mây. Mà tôi cũng không muốn thấy.
Họ là hai bố con. Thằng bé có vẻ hơi “gấu” thái quá, còn người bố nhiều khi như rơi vào trạng thái xa vắng, nhưng mau chóng họ thấu hiểu nhau. Những cử điệu, tia mắt cười, ngôn ngữ thoại... của họ thật tự nhiên, đáng yêu. Và nhân vật Tôi là một phụ nữ có vẻ hơi trải đời ngẫu nhiên xuất hiện trên cung đường của hai bố con thích rong chơi ấy... Một chút vương vấn, một chút vu vơ thiện cảm. Để rồi... không có một cái kết nào cả. Để rồi... vẫn chỉ là mây trắng thôi. Một chuyện tình? Chưa hẳn. Một chuyện đời? Hình như đó không phải là chủ ý. Câu chuyện khởi đi một cách hết sức tự nhiên, nhưng lại được nâng đỡ bằng một ý thức: viết về những vẻ đẹp giản dị, nguyên chất đang dần mất đi. Trong truyện có một chi tiết là người bố chăm chú đọc cuốn The Great Gatsby của nhà văn Mỹ Scott Fitzgerald. Thì, nếu có thể, bạn hãy tìm đọc qua Đại gia Gatsby là bản dịch tiếng Việt, để thấy được cái “Thời đại Jazz” do Scott Fitzgerald đặt tên cho giai đoạn 1918-1929 nước Mỹ mà lại khá giống với tình trạng chúng ta hiện nay. Và đọc kỹ hơn truyện ngắn này để thấy những mẩu “hiện thực nhỏ bé” mà tác giả đưa vào là không ngẫu nhiên chút nào. Nguyễn Việt Hà, tác giả của tiểu thuyết: Cơ hội của Chúa, Khải huyền muộn. Một người không bao giờ “cố viết”. Và hiện tại vẫn “thô sơ” cùng cây bút và trang giấy theo đúng nghĩa đen của nó. TRẦN NHÃ THỤY |
Rằm tháng giêng, Canh Dần
NGUYỄN VIỆT HÀ
Tặng con trai Kin